ATVSCN - Kỹ Thuật An Toàn Điện

Đây là tài liệu khá hay dành cho bạn nào đang học ngành điện công nghiệp. Vì đây, bạn có thể biết thêm Kỹ Thuật An Toàn Điện cho chính bản thân mình và cho chính người thân của mình sẽ cần những điều kiện gì, và cần làm những gì khi xãy ra sự cố về điện nữa. Tâm Gà chia sẻ cho các bạn sinh viên bộ tài liệu này. Mình không biết có giúp ích gì được cho bạn không, chứ mình thấy bộ môn An Toàn Vệ Sinh Công Nghiệp của các trường Đại Học, và Cao Đẳng hay dạy về vấn đề này lắm nhé. Chúc cho các bạn có được tài liệu hay để nghiên cứu trong lúc này. Học tập vui vẻ nhé các bạn của Tâm Gà ơi !!!

ATVSCN - Kỹ Thuật An Toàn Điện

I. Một số khái niệm cơ bản về an toàn điện


a. Tác động của dòng điện đối với cơ thể người

Dòng điện đi qua cơ thể con người gây nên phản ứng sinh lý phức tạp như làm huỷ hoại bộ phận thần kinh điều khiển các giác quan bên trong của người, làm tê liệt cơ thịt, sưng màng phổi, huỷ hoại cơ quan hô hấp và tuần hoàn máu. Một trong những yếu tố chính gây tai nạn cho người là dòng điện (phụ thuộc điện áp mà người chạm phải) và đường đi của dòng điện qua cơ thể người vào đất.

Dòng điện có thể tác động vào cơ thể người qua một mạch điện kín hoặc bằng tác động bên ngoài như phóng điện hồ quang. Tác hại và hậu quả của dòng điện gây nên phụ thuộc vào độ lớn và loại dòng điện, điện trở của người, đường đi của dòng điện qua cơ thể người, thời gian tác dụng và tình trạng sức khỏe của người. Cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về trị số của dòng điện có thể gây chết người . Trường hợp nói chung, dòng điện có thể làm chết người có trị số khoảng 100 mA. Tuy nhiên vẫn có trường hợp trị số dòng điện chỉ khoảng 5 ÷ 10 mA đã làm chết người tuỳ thuộc điều kiện nơi xảy ra tai nạn và trạng thái sức khoẻ của nạn nhân.

Nguyên nhân chết người, do dòng điện phần lớn làm hủy hoại khả năng làm việc của các cơ quan của người hoặc làm ngừng thở hoặc do sự thay đổi những hiện tượng sinh hóa trong cơ thể người. Trường hợp bị bỏng trầm trọng cũng gây nguy hiểm chết người. Hiện nay có nhiều quan điểm giải thích về quá trình tổn thương do điện. Từ lâu người ta cho rằng khi có dòng điện đi qua sẽ tạo nên hiện tượng phân tích máu và các chất nước khác làm tẩm ướt các tổ chức huyết cầu và làm đầy huyết quản. Nhiều Nhà sinh lý học và bác sỹ lại cho rằng do dòng điện làm cho sự co giãn của tim bị rối loạn không lưu thông máu được trong cơ thể. Ngày nay một số Nhà khoa học giải thích nguyên nhân là do dòng điện gây nên hiện tượng phản xạ do quá trình kích thích và làm đình trệ hoạt động của cơ quan não bộ, điều đó có nghĩa là sẽ hủy hoại chức năng làm việc của cơ quan hô hấp.

*** Điện trở của người : 


Thân thể người gồm có da thịt xương, thần kinh, máu... tạo thành. Lớp da có điện trở lớn nhất mà điện trở của da lại do điện trở của lớp sừng trên da (dày khoảng 0,05ữ0,2 mm) quyết định. Xương và da có điện trở tương đối lớn còn thịt và máu có điện trở bé. Điện trở của người rất không ổn định và không chỉ phụ thuộc vào trạng thái sức khoẻ của cơ thể từng lúc mà còn phụ thuộc vào môi trường xung quanh, điều kiện tổn thương...

Điện trở của người có thể thay đổi. Điện trở người phụ thuộc nhiều vào chiều dày lớp sừng da, trạng thái thần kinh của người. Nếu mất lớp sừng trên da thì điện trở người sẽ giảm xuống đáng kể. Khi có dòng điện đi qua người, điện trở người sẽ giảm xuống do da bị đốt nóng, mồ hôi thoát ra, … Thí nghiệm cho thấy: với dòng điện 0,1mA điện trở người, với dòng điện 10 mA điện trở người. Mặt khác nếu da người bị dí mạnh trên các cực điện, điện trở da cũng giảm đi.

Với điện áp bé có thể xem điện trở tỷ lệ nghịch với diện tích tiếp xúc. Điện trở người giảm tỷ lệ với thời gian tác dụng của dòng điện vì da bị đốt nóng và có sự thay đổi về điện phân. Điện áp đặt vào cũng rất ảnh hưởng đến điện trở của người vì ngoài hiện tượng điện phân nêu trên còn có "hiện tượng chọc thủng" khi điện áp U > 250 V. Với lớp da mỏng thì hiện tượng chọc thủng đã có thể xuất hiện ở điện áp 10 - 30 V, lúc này điện trở người xem như tương đương bị bóc hết lớp da ngoài.

*** Ảnh hưởng của trị số dòng điện giật :


Dòng điện chính là nhân tố vật lý trực tiếp gây tổn thương khi bị điện gật. Điện trở của thân người, điện áp đặt vào người chỉ là những đại lượng làm biến đổi trị số dòng điện mà thôi. Tác động của dòng điện lên cơ thể người phụ thuộc nhiều vào trị số của nó. Những trị số trên được rút ra từ các trường hợp tai nạn thực tế với phương pháp đo lường tinh vi và chính xác. Trên bảng IV.2 dẫn ra các trạng thái cơ thể người khi trị số dòng điện thay đổi.

Tuy nhiên khi phân tích về tai nạn do điện giật, không nên đơn thuần xét theo trị số dòng điện mà phải xét đến cả môi trường, hoàn cảnh xảy ra tai nạn cũng như khả năng phản xạ của nạn nhân, bởi vì trong nhiều trường hợp điện áp bé, dòng điện có trị không lớn hơn trị số dòng điện gây choáng bao nhiêu nhưng đã có thể làm chết người. Hiện nay trị số dòng điện an toàn quy định 10 mA đối với dòng xoay chiều đối với dòng một chiều. Bảng III.1: Tác động của trị số dòng điện lên cơ thể người.

ATVSCN - Kỹ Thuật An Toàn Điện

*** Ảnh hưởng của thời gian điện giật :


Thời gian tác động của dòng điện vào cơ thể người rất quan trọng với các biểu hiện hình thái khác nhau. Thời gian tác dụng càng lâu, điện trở người càng bị giảm xuống vì lớp da bị nóng dần lên, lớp sừng trên da bị chọc thủng ngày càng tăng. Khi thời gian tác động ngắn thì mối nguy hiểm phụ thuộc vào nhịp đập của tim. Mỗi chu kỳ giãn của tim kéo dài độ 1 giây. Trong chu kỳ có khoảng 0,1giây tim nghỉ làm việc (giữa trạng thái co và giãn) và ở thời điểm này tim rất nhạy cảm với dòng điện đi qua nó. Nếu thời gian dòng điện qua người lớn hơn 1 giây thì thế nào cũng trùng với thời điểm nói trên của tim. Thí nghiệm cho thấy rằng dù dòng điện lớn (gần bằng 10 mA) đi qua người mà không gặp thời điểm nghỉ của tim cũng không có nguy hiểm gì.

Căn cứ vào lý luận trên, ở các mạng cao áp 110 kV, 35 kV, 10 kV, 6 kV, … tai nạn do điện gây ra ít dẫn đến trường hợp tim ngừng đập hay ngừng hô hấp. Bởi vì với mạng điện áp cao, dòng điện xuất hiện trước khi người chạm vào vật mang điện, nạn nhân chưa kịp chạm vào vật mang điện thì hồ quang đã phát sinh và dòng điện rất lớn (có thể vài ampe). Dòng điện này tác động rất mạnh vào người và gây cho cơ thể người một phản xạ tức thời, kết quả là hồ quang bị dập tắt ngay (hoặc chuyển qua bộ phận mang điện bên cạnh), dòng điện chỉ tồn tại trong khoảng thời gian vài phần của giây.

Với thời gian ngắn như vậy rất ít khi làm tim ngừng đập hay hô hấp bị tê liệt. Tuy nhiên không nên kết luận điện áp cao không nguy hiểm vì dòng điện lớn này qua cơ thể trong thời gian ngắn nhưng có thể đốt cháy nghiêm trọng hoặc làm chết người. Hơn nữa khi làm việc trên cao do phản xạ mà dễ bị rơi xuống đất rất nguy hiểm. Theo Uỷ ban điện quốc tế (IEC), thời gian tiếp xúc cho phép phụ thuộc vào điện áp tiếp xúc và được dẫn ra trên bảng IV.3. Bảng III.2: Thời gian tiếp xúc cho phép với các trị số điện áp khác nhau.

ATVSCN - Kỹ Thuật An Toàn Điện

*** Đường đi của dòng điện giật :


Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng đường đi của dòng điện qua cơ thể người có tầm quan trọng lớn nhất là số phần trăm của dòng điện tổng qua cơ quan hô hấp và tim. Qua thí nghiệm nhiều lần và có kết quả sau: Dòng điện đi từ tay sang tay sẽ có 3,3% của dòng điện tổng đi qua tim. Dòng điện từ tay phải qua chân sẽ có 3,7% dòng điện tổng đi qua tim. Dòng điện đi từ tay trái qua chân sẽ có 6,7% dòng điện tổng đi qua tim. Dòng điện đi từ chân qua chân sẽ có 0,4% của dòng điện tổng đi qua tim.

Từ kết quả thí nghiệm trên, có thể rút ra một số nhận xét sau: Đường đi của dòng điện có ý nghĩa quan trọng vì lượng dòng điện chạy qua tim hay cơ quan hô hấp phụ thuộc vào cách tiếp xúc của người với nguồn điện. Dòng điện phân bố tương đối đều trên các cơ của lồng ngực. Dòng điện đi từ tay phải đến chân có phân lượng qua tim nhiều nhất. Dòng điện đi từ chân sang chân tuy nhỏ (tạo ra điện áp bước) không nguy hiểm nhưng khi có dòng điện đi qua, cơ bắp của chân bị co rút làm nạn nhân ngã và lúc đó sơ đồ nối điện vào người sẽ khác đi (dòng điện đi từ chân qua tay, ...).

*** Ảnh hưởng của tần số dòng điện :


Tổng trở của cơ thể con người giảm xuống lúc tần số tăng lên vì điện kháng của da người do điện dung tạo nên ( X = 1/ 2fc) sẽ giảm xuống. Tuy nhiên trong thực tế thì ngược lại, khi tần số càng tăng cao thì mức độ nguy hiểm càng giảm đi. Hiện nay chưa khẳng định với loại tần số nào thì nguy hiểm nhất và với tần số nào thì ít nguy hiểm nhất. Tuy nhiên đối với các nhà nghiên cứu thì cho rằng tần số từ 50 ÷ 60 Hz là nguy hiểm nhất, khi trị số của tần số bé hoặc lớn hơn trị số nói trên mức độ nguy hiểm sẽ giảm xuống.

*** Điện áp cho phép :


Dự đoán trị số dòng điện qua người trong nhiều trường hợp không làm được vì còn phụ thuộc vào nhiều nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau. Do vậy để xác định giới hạn an toàn cho người không nên dựa vào "dòng điện an toàn" mà nên theo "điện áp cho phép". Dùng "điện áp cho phép" rất thuận lợi vì với mỗi mạng điện có một điện áp tương đối ổn định. Tiêu chuẩn điện áp cho phép mỗi nước một khác: ở Ba lan, Thụy Sĩ, điện áp cho phép là 50 V, ở Hà Lan, Thụy Điển, … điện áp cho phép là 24 V, ở Pháp điện áp xoay chiều cho phép là 24 V, ở Nga tuỳ theo môi trường làm việc điện áp cho phép có thể có các trị số khác nhau: 65 V, 36 V, 12 V. Theo TCVN điện áp cho phép được quy định 42 V (xoay chiều), 50 V (một chiều).

b. Các dạng tai nạn điện :

Tai nạn điện được phân thành 2 dạng: chấn thương do điện và điện giật.

- Các chấn thương do điện : Chấn thương do điện là sự phá huỷ cục bộ các mô của cơ thể do dòng điện hoặc hồ quang điện. Chấn thương do điện sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động, thậm chí tử vong. Các đặc trưng của chấn thương điện gồm: bỏng điện, dấu vết điện, kim loại hóa mặt da, co giật cơ và viêm mắt. Bỏng điện: Gây nên do dòng điện qua cơ thể con người hoặc do tác động của hồ quang. Bỏng do hồ quang gây ra bởi tác động đốt nóng của nguồn nhiệt hồ quang và có thể do một phần bột kim loại nóng chảy bắn vào. Dấu vết điện: Khi dòng điên chạy qua sẽ tạo nên các dấu vết trên bề mặt da tại điểm tiếp xúc. Kim loại hóa bề mặt da: gây nên do các hạt kim loại nhỏ bắn vào, khi với tốc độ lớn có thể thấm sâu vào trong da gây ra bỏng. Co giật cơ: khi có dòng điện qua người, các cơ bị co giật. Viêm mắt: gây nên do tác dụng của tia cực tím.

- Điện giật : Dòng điện qua cơ thể sẽ gây kích thích các mô kèm theo co giật cơ ở các mức độ khác nhau: Cơ bị co giật nhưng người không bị ngạt. Cơ bị co giật, người bị ngất nhưng vẫn duy trì được hô hấp và tuần hoàn. Người bị ngất, hoạt động của tim và hệ hô hấp bị rối loạn. Chết lâm sàng (không thở, hệ tuần hoàn không hoạt động). Điện giật chiếm một tỷ lệ rất lớn, khoảng 80% trong tổng số tai nạn điện và 85 ÷ 87% số vụ tai nạn điện chết người là do điện giật.

c. Phân loại nơi đặt thiết bị điện theo mức nguy hiểm :

Để đánh giá, xác định điều kiện môi trường khi lắp đặt thiết bị điện cũng như lựa chọn thiết bị, đường dây, đường cáp, … cần thiết phải nắm được những quy định về mức độ nguy hiểm nơi đặt thiết bị điện. Theo quy định hiện hành, nơi đặt thiết bị điện được phân loại như sau: Nơi nguy hiểm: là nơi có chứa các yếu tố sau: Ẩm (với độ ẩm của không khí vượt quá 75%) trong thời gian dài hoặc có bụi dẫn điện ( bám vào dây dẫn, thanh dẫn hay lọt vào trong thiết bị). Nền nhà dẫn điện (bằng kim loại, bê tông, cốt thép, gạch,…). Nhiệt độ cao (có nhiệt độ vượt quá 350 độ C trong thời gian dài).

Những nơi người có thể đồng thời tiếp xúc một bên với kết cấu kim loại của nhà, các thiết bị máy móc đã nối đất và một bên với vỏ kim loại của thiết bị điện. Nơi đặc biệt nguy hiểm: là nơi có một trong những yếu tố sau: Rất ẩm (độ ẩm tương đối của không khí xấp xỉ 100%). Môi trường có hoạt tính hóa học ( có chứa hơi, khí, chất lỏng trong thời gian dài, có thể phá hủy chất cách điện và các bộ phận mang điện). Đồng thời có hai yếu tố trở lên của nơi nguy hiểm (đã nêu ở nơi nguy hiểm). Nơi ít nguy hiểm (bình thường): là những nơi không thuộc hai loại trên.

II. Bảo vệ nối đất, bảo vệ nối dây trung tính và bảo vệ chống sét.


01 - Bảo vệ nối đất :


Khi cách điện của những bộ phận mang điện bị hư hỏng, bị chọc thủng, những phần kim loại của thiết bị điện hay các máy móc khác thường trước kia không có điện bây giờ mang hoàn toàn điện áp làm việc. Khi chạm vào chúng, người có thể bị tổn thương do dòng điện gây nên. Mục đích nối đất là để đảm bảo an toàn cho người lúc chạm vào các bộ phận có mang điện áp. Vì nối đất là để giảm điện áp đối với đất của những bộ phận kim loại của thiết bị điện đến một trị số an toàn đối với người.

Như vậy nối đất là sự chủ định nối điện các bộ phận thiết bị mang điện với hệ thống nối đất. Hệ thống nối đất bao gồm các thanh nối đất và dây dẫn để nối đất. Ngoài những nối đất để đảm bảo an toàn cho người còn có loại nối đất với mục đích xác định chế độ làm việc của thiết bị điện. Loại nối đất này gọi là nối đất làm việc.Ví dụ như nối đất trung tính máy biến áp, máy phát điện, nối đất chống sét để bảo vệ chống quá điện áp, chống sét đánh trực tiếp… Nối đất riêng lẻ cho từng thiết bị điện là không hợp lý và rất nguy hiểm vì khi có chạm đất ở hai điểm tạo nên thế hiệu nguy hiểm trên phần nối đất của thiết bị. Vì vậy cần thiết phải nối chung lại thành một hệ thống nối đất (trừ những thu lôi đứng riêng lẻ).

Từ trên ta rút ra kết luận sau: muốn giảm trị số dòng điện qua người thì có thể hoặc giảm điện dẫn của người (gng) hoặc giảm điện dẫn cách điện của dây dẫn (g2), hoặc tăng điện dẫn của vật nối đất ( gđ). Tuy nhiên thực tế việc tăng điện dẫn của vật nối đất là dể dàng và đơn giản, ta có thể làm được. Ý nghĩa của nối đất ở đây là tạo nên giữa vỏ thiết bị và đất một mạch điện có mật độ dẫn điện lớn để khi chạm vào vỏ thiết bị có cách điện bị chọc thủng thì dòng điện đi qua người trở nên không nguy hiểm nữa. Chúng ta thấy bảo vệ nối đất tập trung đạt yêu cầu khi trị số gđ bé, hệ thống nối đất chỉ đem lại nguy hiểm khi một trong các thiết bị bị chọc thủng cách điện qua vỏ thì toàn bộ thế hiệu nguy hiểm sẽ đặt vào hệ thống nối đất. Như vậy điều kiện an toàn đối với thiết bị mang điện có thể thực hiện bằng 2 cách: Giảm dòng điện Iđ bằng cách tăng cách điện của mạng điện. Giảm điện trở nối đất rđ bằng cách dùng nhiều cực nối đất cắm trong đất có điện dẫn lớn.

*** Ý nghĩa của bảo vệ nối dây trung tính :


Bảo vệ nối dây trung tính tức là nối các bộ phận không mang điện (vỏ thiết bị điện) với dây trung tính, dây trung tính này được nối đất ở nhiều chỗ. Bảo vệ nối dây trung tính dùng thay cho bảo vệ nối đất trong các mạng điện 4 dây 3 pha điện áp thấp (loại 380/220 Vvà 220/110V) nếu trung tính của mạng điện này trực tiếp nối đất. Ý nghĩa của việc thay thế này xuất phát từ chỗ bảo vệ nối đất dùng cho mạng điện dưới 1.000 V khi trung tính có nối đất không đảm bảo điều kiện an toàn. Điều này được giải thích trên sơ đồ điện hình và cho mạng lưới điện dưới 1000 V.

Tuy nhiên cần phải chú ý là khi xảy ra chạm vỏ thiết bị một pha, điện áp của 2 pha còn lại đối với đất có thể tăng lên đến trị số không cho phép. Với mạng điện 380/220V điện áp này bằng 347 V. Nếu chúng ta có thể tăng dòng điện Iđ đến trị số nào đó để bảo vệ có thể cắt nhanh chỗ sự cố thì mới đảm bảo được an toàn. Biện pháp đơn giản nhất là dùng dây dẫn nối vỏ thiết bị với dây trung tính. Mục đích nối dây trung tính là biến sự chạm vỏ thiết bị thành ngắn mạch một pha để bảo vệ làm việc cắt nhanh chỗ bị hư hỏng.

Phạm vi ứng dụng bảo vệ nối dây trung tính: Bảo vệ nối dây trung tính cho mạng điện 4 dây điện áp bé hơn 1000V có trung tính nối đất dùng cho mọi cơ sở sản xuất, không phụ thuộc vào môi trường xung quanh. Với mạng điện 4 dây cấp điện áp 220/127V việc bảo vệ nối dây trung tính chỉ cần thiết trong các trường hợp hoặc là xưởng đặc biệt nguy hiểm về mặt an toàn hoặc là thiết bị đặt ngoài trời. Ngoài ra với điện áp 220/127V cũng có thể dùng bảo vệ nối dây trung tính cho các chi tiết bằng kim loại mà người hay chạm đến như tay cầm, tay quay, vỏ động cơ điện nếu chúng nối trực tiếp với các máy phay, máy bào, máy tiện, …

02 - Bảo vệ chống sét :


- Những khái niệm cơ bản: Sét là hiện tượng phóng điện giữa các đám mây tích điện trái dấu hoặc giữa mây và đất khi cường độ điện trường đạt đến trị số cường độ phóng điện trong không khí. Khi bắt đầu phóng điện, thế giữa các đám mây hoặc mây và đất có thể đạt tới trị số hàng vạn đến hàng triệu vôn, còn dòng điện sét từ hàng chục ngàn ampe đến hàng trăm ngàn ampe, trị số cực đại của dòng điện sét đạt đến 200 KA ÷ 300 KA. Năng lượng của sét khi phóng điện rất lớn có thể phá hoại công trình, thiết bị, nhà cửa, gây chết người và súc vật, … Để bảo vệ chống sét người ta sử dụng các hệ thống chống sét bằng cột thu lôi hoặc lưới chống sét. Nội dung bảo vệ chống sét bao gồm:

Bảo vệ chống sét đánh trực tiếp (đánh thẳng): để bảo vệ chống sét đánh trực tiếp vào các công trình thường dùng các tháp hoặc cột thu lôi có chiều cao lớn hơn độ cao của công trình cần bảo vệ. Trên đỉnh cột có gắn mũi nhọn kim loại gọi là kim thu sét. Kim này được nối với dây dẫn sét xuống đất để đi vào vật nối đất. Không gian chung quanh cột thu lôi được được bảo vệ bằng cách thu sét vào cột được gọi là phạm vi bảo vệ. Cột thu lôi có thể đặt độc lập hoặc đặt ngay trên trên các thiết bị cần bảo vệ có tiết diện của dây dẫn không được nhỏ hơn 50 mm2. Những mái nhà lợp bằng tôn không cần có thu lôi mà chỉ cần nối đất với mái tốt. Những mái nhà không dẫn điện được bảo vệ bằng lưới thép với ô kích thước 5m x 5 m, mạng lưới phải nối đất tốt và dây dùng làm lưới phải có ệ 7 hoặc 8mm.

Bảo vệ chống sét cảm ứng (cảm ứng tĩnh điện và cảm ứng điện từ): được thực hiện bằng cách nối đất các kết cấu kim loại, các vật kim loại như vỏ thiết bị, bệ máy, … hoặc nối các đường ống kim loại đi gần nhau tránh hiện tượng phóng điện. Bảo vệ chống sét lan truyền: thường chọn một số giải pháp cho công tác bảo vệ chống sét lan truyền như sau: các đoạn đường cáp điện, đường ống khi dẫn vào công trình thì nên đặt dưới đất, nối đất các kết cấu kim loại, vỏ cáp, dây trung tính, đặt các khe hở phóng điện ở đầu vào để kết hợp bảo vệ các thiết bị điện.

III. Tính toán phạm vi bảo vệ chống sét đánh trực tiếp:


Phạm vi bảo vệ là khoảng không gian dưới kim hay dây thu sét mà khi công trình được bố trí trong đó sẽ có xác suất sét đánh rất nhỏ. Nếu công trình có độ cao là hx thì người ta phải làm cột thu sét có độ cao h, trên đó có lắp kim thu sét và dây nối đất để dẫn dòng điện sét xuống đất. Khi bảo vệ công trình bằng một kim thu sét, phạm vi bảo vệ của nó là một hình nón có đường sinh bị gãy khúc ở độ cao 2h/3 (h là độ cao của kim). Bán kính bảo vệ của kim rx ở độ cao hx được xác định. Thực tế cho thấy nên dùng nhiều cột có độ cao không lớn để bảo vệ thay cho cho một cột có độ cao quá lớn.

IV. Các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn điện.


01 - Các quy tắc chung :


Để đảm bảo an toàn điện cần phải thực hiện đúng các quy định: Phải che chắn các thiết bị và bộ phận của mạng điện để tránh nguy hiểm khi tiếp xúc bất ngờ vào vật dẫn điện. Phải chọn đúng điện áp sử dụng và thực hiện nối đất hoặc nối dây trung tính các thiết bị điện cũng như thắp sáng theo đúng quy chuẩn. Nghiêm chỉnh sử dụng thiết bị, dụng cụ an toàn và bảo vệ khi làm việc. Tổ chức kiểm tra vận hành theo đúng các quy tắc an toàn. Phải thường xuyên kiểm tra dự phòng cách điện của các thiết bị cũng như của hệ thống điện.

Qua kinh nghiệm cho thấy, tất cả các trường hợp xảy ra tai nạn điện giật thì nguyên nhân chính hầu như không phải là do thiết bị không hoàn chỉnh, cũng không phải do phương tiện bảo vệ an toàn chưa đảm bảo mà chính là do vận hành sai quy định, trình độ vận hành kém, sức khỏe không đảm bảo. Vì vậy để vận hành an toàn cũng như để thiết bị đảm bảo an toàn, cần phải phân công trực đầy đủ, thường xuyên kiểm tra, sửa chữa thiết bị theo kế hoạch đã định, khi sửa chữa phải theo đúng quy trình vận hành, phải tuyển chọn cán bộ kỹ thuật và mở các lớp huấn luyện về chuyên môn, các kết quả kiểm tra cần phải ghi chép vào sổ trực và đề xuất các ý kiến cũng như lên kế hoạch sửa chữa.

Thứ tự không đúng trong khi đóng, ngắt mạch điện cũng là nguyên nhân của sự cố nghiêm trọng và tai nạn nghiêm trọng cho người vận hành. Vì vậy cần vận hành các thiết bị điện theo đúng quy trình với sơ đồ nối dây điện của các đường dây bao gồm tình trạng thực tế của các thiết bị điện và những điểm có nối đất. Khi tiếp xúc với mạng điện, cần trèo cao, trong phòng kín ít nhất phải có 2 người , một người thực hiện công việc còn một người theo dõi và kiểm tra và là người lãnh đạo chỉ huy toàn bộ công việc. Các thao tác phải được tiến hành theo mệnh lệnh, trừ các trường hợp xảy ra tai nạn mới có quyền tự động thao tác rồi báo cáo sau.

02 - Các biện pháp kỹ thuật an toàn điện :


Để phòng ngừa, hạn chế tác hại do tai nạn điện, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật an toàn điện sau đây: Các biện pháp chủ động đề phòng xuất hiện tình trạng nguy hiểm có thể gây tai nạn: Đảm bảo tốt cách điện của thiết bị điện: trước khi sử dụng các thiết bị điện cần kiểm tra cách điện giữa các pha với nhau, giữa pha và vỏ. Trị số điện trở cách điện cho phép phụ thuộc vào điện áp của mạng điện. Đảm bảo khoảng cách an toàn, bao che, rào chắn các bộ phận mang điện: ở những nơi có điện, điện thế nguy hiểm để đề phòng người vô tình đi vào và tiếp xúc vào, cần phải có bao bọc bảo vệ, hàng rào bảo vệ bằng lưới, có hành lang bảo vệ đường dây điện cao áp trên không (giới hạn bởi hai mặt đứng song song với đường dây), có khoảng cách đến dây ngoài cùng khi không có gió. Sử dụng điện áp thấp, máy biến áp cách ly. Sử dụng tín hiệu, biển báo, khóa liên động, …

*** Các biện pháp để ngăn ngừa, hạn chế tai nạn điện:


Thực hiện nối "không" bảo vệ, và thực hiện nối đất bảo vệ, cân bằng thế. Để đề phòng điện rò ra các bộ phận khác, để tản dòng điện vào trong đất và giữ mức điện thế thấp trên các vật ta nối “không” bảo vệ, nối đất an toàn và cân bằng thế. Nối đất bảo vệ cho người khi chạm phải vỏ các thiết bị điện trong trường hợp cách điện của thiết bị bị hư. Sử dụng máy cắt an toàn. Sử dụng các phương tiện bảo vệ, dụng cụ phòng hộ: Khi đóng mở cầu dao ở bảng phân phối điện phải đi ủng cách điện. Các cần gạt cầu dao phải làm bằng vật liệu cách điện và khô ráo. Tay ướt hoặc có nhiễu mồ hôi cấm không được đóng mở cầu dao bảng phân phối điện. Chổ đứng của công nhân thao tác công cụ phải có bục gỗ thoáng và chắc chắn, …

03 - Cấp cứu người bị điện giật :


Nguyên nhân chính làm chết người vì điện giật do hiện tượng kích thích là chính chứ không phải do bị chấn thương. Vì vậy khi bị tai nạn điện, việc tiến hành sơ cứu nhanh chóng, kịp thời và đúng phương pháp là những yếu tố quyết định để cứu sống nạn nhân. Thí nghiệm và thực tế cho thấy rằng từ lúc bị điện giật đến một phút sau nếu được cứu chữa ngay thì 90% trường hợp cứu sống được, để 6 phút sau mới cứu chỉ có thể cứu sống 10%, nếu để từ 10 phút mới cấp cứu thì rất ít trường hợp cứu sống được. Khi sơ cứu người bị nạn cần thực hiện hai bước cơ bản: Tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện sau đó làm hô hấp nhân tạo.

*** Tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện :


Tùy thuộc vào cấp điện áp của mạng lưới điện mà nạn nhân bị giật, cần phải có những biện pháp khác nhau để tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Nạn nhân chạn vào điện hạ áp, cần nhanh chóng cắt nguồn điện (tại các vị trí cầu dao, áp tô mát, cầu chì, …). Nếu không thể cắt nhanh nguồn điện được thì dùng các vật cách điện khô (sào, gậy tre, gỗ khô,…) để gạt dây điện ra khỏi nạn nhân. Nếu nạn nhân nắm chặt vào dây điện, cần phải đứng trên các vật cách điện (bệ gỗ, tấm cách điện, …) để kéo nạn nhân ra hoặc đi ủng cách điện hoặc dùng găng tay cách điện để gỡ nạn nhân ra. Trong trường hợp cần thiết có thể dùng kìm cách điện, dao hoặc rìu có cán gỗ khô để cắt hoặc chặt đứt dây điện. Đối với nạn nhân bị chạm hoặc bị phóng điện từ thiết bị có điện áp cao thì không thể đến cứu ngay trực tiếp mà cần phải đi ủng, dùng gậy, sào cách điện để tách người bị nạn ra khỏi phạm vi có điện. Đồng thời báo cho người quản lý đến cắt điện trên đường dây. Nếu người bị nạn đang làm việc ở đường dây trên cao, dùng dây dẫn nối đất làm ngắn mạch đường dây (cần tiến hành nối đất trước sau đó ném dây lên làm ngắn mạch đường dây) đồng thời có biện pháp đỡ nạn nhận khi rơi ngã.

*** Làm hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực :


Ngay sau khi tách được người bị nạn ra khỏi bộ phận mang điện, đặt nạn nhân ở chỗ thoáng mát, cởi các phần quần áo bó thân (như cúc cổ, thắt lưng…), lau sạch máu, nước bọt và các chất bẩn sau đó tiến hành làm hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực theo trình tự sau:

- Làm hô hấp nhân tạo : Đặt nạn nhân nằm ngửa, kê gáy bằng vật mềm để đầu ngửa về phía sau. Kiểm tra khí quản nạn nhân có thông suốt hay không và lấy các dị vật ra. Nếu hàm bị co cứng phải mở miệng bằng cách để tay áp vào phía dưới của góc hàm dưới, tỳ ngón cái vào mép hàm để đẩy hàm dưới ra. Kéo ngửa mặt nạn nhân về phía sau sao cho cằm và cổ trên một đường thẳng đảm bảo cho không khí vào được dễ dàng. Đẩy hàm dưới về phía trước đề phòng lưỡi rơi xuống đóng thanh quản. Mở miệng và bịt mũi nạn nhân, người cấp cứu hít hơi và thổi mạnh vào miệng nạn nhân (nên dùng khẩu trang hoặc khăn sạch đặt lên miệng nạn nhân). Nếu không thể thổi vào miệng được thì có thể bịt kín miệng và thổi vào mũi nạn nhân. Lặp lại thao tác trên nhiều lần, có kết hợp với thao tác xoa bóp tim. Việc thổi khí cần làm nhịp nhàng và liên tục 10 ÷ 12 lần/phút với người lớn, 20 lần/phút với trẻ em.

- Xoa bóp tim ngoài lồng ngực : Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt còn một người xoa bóp tim. Người xoa bóp tim đặt hai tay chồng lên nhau và đặt ở 1/3 phần dưới xương ức của nạn nhân, ấn khoảng 4 ÷ 6 lần thì dừng lại 2 giây để người thứ nhất thổi không khí vào phổi nạn nhân. Khi ấn ép mạnh lồng ngực xuống 4 ÷ 6 cm, sau đó giữ tay lại khoảng 1/3 giây rồi mới rời tay khỏi lồng ngực cho trở về vị trí cũ. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì cứ sau hai ba lần thổi ngạt, ấn vào lồng ngực nạn nhân như trên từ 4 ÷ 6 lần.

Các thao tác phải được làm liên tục cho đến khi nạn nhân xuất hiện dấu hiệu sống trở lại, hệ hô hấp có thể tự động hoạt động ổn định. Để kiểm tra nhịp tim, nên ngừng xoa bóp khoảng 2 ÷ 3 giây. Sau khi thấy sắc mặt trở lại hồng hào, đồng tử co giãn, tim phổi bắt đầu hoạt động nhẹ, … cần tiếp tục cấp cứu khoảng 5 ÷ 10 phút nữa để tiếp sức thêm cho nạn nhân. Sau đó cần kịp thời chuyển ngay nạn nhân tới bệnh viện. Trong quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục tiến hành công việc cấp cứu liên tục.

ATVSCN - Kỹ Thuật An Toàn Điện

Bạn đang xem một trong các bài viết tại Chuyên Mục AnToanVeSinhCongNghiep. Và đây là địa chỉ link bài viết http://www.c10mt.com/2012/04/atvscn-ky-thuat-an-toan-dien.html . Tâm Gà xin cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này. Đừng quên nhấn LIKE Chia Sẻ để ủng hộ Tâm Gà nếu bài viết có ích !
Tuesday, April 17, 2012 DMCA com Protection Status