• ATVSCN - Chống tiếng ồn và rung động trong sản xuất

ATVSCN - Chống tiếng ồn và rung động trong sản xuất

Đây là một trong những tài liệu khá hay về An Toàn Vệ Sinh Công Nghiệp, trong vấn đề phòng chống tiếng ồn và rung động trong việc sản xuất ở mỗi doanh nghiệp hiện nay. Bạn có thể tài liệu này hay, thì ủng hộ việc chia sẻ thông tin cho mọi người theo dõi nữa nhé. Đôi khi có nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu tài liệu kỹ, trước khi quyết định thực hiện một vấn đề nào nữa nhé !!!

ATVSCN - Chống tiếng ồn và rung động trong sản xuất

I. Chống tiếng ồn và rung động trong sản xuất


1) Những khái niệm chung

Tiếng ồn là tập hợp những âm thanh khác nhau về cường độ và tần số không có nhịp gây cho con người cảm giác khó chịu. Rung động là dao động cơ học của vật thể đàn hồi sinh ra khi trọng tâm hoặc trục đối xứng của chúng xê dịch trong không gian hoặc do sự thay đổi có tính chu kỳ hình dạng mà chúng có ở trạng thái tĩnh. Trong môi trường công nghiệp có nhiều công tác sinh ra tiếng ồn và rung động. Tiếng ồn và rung động trong sản xuất là các tác hại nghề nghiệp nếu cường độ của chúng vượt quá giới hạn tiêu chuẩn cho phép.

2) Nguồn phát sinh tiếng ồn và rung động:

a - Nguồn phát sinh tiếng ồn:

Có nhiều nguồn phát sinh tiếng ồn khác nhau: Theo nơi xuất hiện tiếng ồn: phân ra tiếng ồn trong nhà máy sản xuất và tiếng ồn trong sinh hoạt. Theo nguồn xuất phát tiếng ồn: phân ra tiếng ồn cơ khí, tiếng ồn khí động và tiếng ồn các máy điện.

- Tiếng ồn cơ khí: Gây ra bởi sự làm việc của các máy móc do sự chuyển động của các cơ cấu phát ra tiếng ồn không khí trực tiếp. Gây ra bởi bề mặt cơ cấu hoặc bộ phận kết cấu liên quan với chúng. Gây ra bởi sự va chạm giữa các vật thể trong các thao tác đập búa khi rèn, gò, dát kim loại, ...

- Tiếng ồn khí động: Sinh ra do chất lỏng hoặc hơi, khí chuyển động vận tốc lớn (tiếng ồn quạt máy, máy khí nén, các động cơ phản lực, ...).

- Tiếng ồn của các máy điện: Do sự rung động của các phần tĩnh và phần quay dưới ảnh hưởng của lực từ thay đổi tác dụng ở khe không khí và ở ngay trong vật liệu của máy điện. Do sự chuyển động của các dòng không khí ở trong máy và sự rung động các chi tiết và các đầu mối do sự không cân bằng của phần quay.

b - Nguồn phát sinh rung động:

Từ các loại dụng cụ cơ khí với bộ phận chuyển động điện hoặc khí nén là những nguồn rung động gây tác dụng cục bộ lên cơ thể con người.

c - Các thông số đặc trưng cho tiếng ồn và rung động:

Đặc trưng cho tiếng ồn: Đặc trưng là các thông số vật lý như cường độ, tần số, phổ tiếng ồn và các thông số sinh lý như mức to, độ cao. Tác hại gây ra bởi tiếng ồn phụ thuộc vào cường độ và tần số của nó. Tiếng ồn mức 100 - 120dB với tần số thấp và 80 - 95dB với tần số trung bình và cao có thể gây ra sự thay đổi ở cơ quan thính giác. Tiếng ồn mức 130 - 150dB có thể gây huỷ hoại có tính chất cơ học đối với cơ quan thính giác (thủng màng nhĩ).

Theo tần số, tiếng ồn chia thành tiếng ồn có tần số thấp dưới 300Hz, tần số trung bình 300-1.000Hz, tần số cao trên 3.000Hz. Tiếng ồn tần số cao có hại hơn tiếng ồn tần số thấp. Tuỳ theo đặc đIểm của tiếng ồn mà phổ của nó có thể là phổ liên tục, phổ gián đoạn (phổ thưa) và phổ hổn hợp. Hai loại sau gây ảnh hưởng đặc biệt xấu lên cơ thể con người. Đặc trưng cho rung động: Đặc trưng là biên độ dao động A, tần số f, vận tốc v, gia tốc. Đặc trưng cảm giác của con người chịu tác dụng rung động chung với biên bộ 1mm như sau:

An Toàn Vệ Sinh Công Nghiệp

3) Tác hại của tiếng ồn:

a - Đối với cơ quan thính giác:

Khi chịu tác dụng của tiếng ồn, độ nhạy cảm của thính giác giảm xuống, ngưỡng nghe tăng lên. Khi rời môi trường ồn đến nơi yên tĩnh, độ nhạy cảm có khả năng phục hồi lại nhanh nhưng sự phục hồi đó chỉ có 1 hạn độ nhất định. Dưới tác dụng kéo dài của tiếng ồn, thính lực giảm đi rõ rệt và phải sau 1 thời gian khá lâu sau khi rời nơi ồn, thính giác mới phục hồi lại được. Nếu tác dụng của tiếng ồn lặp lại nhiều lần, thính giác không còn khả năng phục hồi hoàn toàn về trạng thái bình thường được, sự thoái hoá dần dần sẽ phát triển thành những biến đổi có tính chất bệnh lý gây ra bệnh nặng tai và điếc.

b - Đối với hệ thần kinh trung ương:

Tiếng ồn cường độ trung bình và cao sẽ gây kích thích mạnh đến hệ thống thần kinh trung ương, sau 1 thời gian dài có thể dẫn tới huỷ hoại sự hoạt động của đầu não thể hiện đau đầu, chóng mặt, cảm giác sợ hãi, hay bực tức, trạng thái tâm thần không ổn định, trí nhớ giảm sút, ...

c - Đối với hệ thống chức năng khác của cơ thể:

Ảnh hưởng xấu đến hệ thống tim mạch, gây rối loạn nhịp tim. Làm giảm bớt sự tiết dịch vị, ảnh hưởng đến co bóp bình thường của dạ dày. Làm cho hệ thống thần kinh bị căng thẳng liên tục có thể gây ra bệnh cao huyết áp. Làm việc tiếp xúc với tiếng ồn quá nhiều, có thể dần dần bị mệt mỏi, ăn uống sút kém và không ngủ được, nếu tình trạng đó kéo dài sẽ dẫn đến bệnh suy nhược thần kinh và cơ thể.

4) Tác hại của rung động:

Khi cường độ nhỏ và tác động ngắn thì sự rung động này có ảnh hưởng tốt như tăng lực bắp thịt, làm giảm mệt mỏi, ... Khi cường độ lớn và tác dụng lâu gây khó chịu cho cơ thể. Những rung động có tần số thấp nhưng biên độ lớn thường gây ra sự lắc xóc, nếu biên độ càng lớn thì gây ra lắc xóc càng mạnh. Tác hại cụ thể: Làm thay đổi hoạt động của tim, gây ra di lệch các nội tạng trong ổ bụng, làm rối loạn sự hoạt động của tuyến sinh dục nam và nữ. Nếu bị lắc xóc và rung động kéo dài có thể làm thay đổi hoạt động chức năng của tuyến giáp trạng, gây chấn động cơ quan tiền đình và làm rối loạn chức năng giữ thăng bằng của cơ quan này. Rung động kết hợp với tiếng ồn làm cơ quan thính giác bị mệt mỏi quá mức dẫn đến bệnh điếc nghề nghiệp. Rung động lâu ngày gây nên các bệnh đâu xương khớp, làm viêm các hệ thống xương khớp. Đặc biệt trong điều kiện nhất định có thể phát triển gây thành bệnh rung động nghề nghiệp. Đối với phụ nữ, nếu làm việc trong điều kiện bị rung động nhiều sẽ gây di lệch tử cung dẫn đến tình trạng vô sinh. Trong những ngày hành kinh, nếu bị rung động và lắc xóc nhiều sẽ gây ứ máu ở tử cung.

5) Biện pháp phòng và chống tiếng ồn:

a - Loại trừ nguồn phát sinh ra tiếng ồn:

Dùng quá trình sản xuất không tiếng ồn thay cho quá trình sản xuất có tiếng ồn. Làm giảm cường độ tiếng ồn phát ra từ máy móc và động cơ. Giữ cho các máy ở trạng thái hoàn thiện: siết chặt bulông, đinh vít, tra dầu mỡ thường xuyên.

b - Cách ly tiếng ồn và hút âm:

Lắp các thiết bị giảm tiếng động của máy. Bao phủ chất hấp thụ sự rung động ở các bề mặt rung động phát ra tiếng ồn bằng vật liệu có ma sát trong lớn; ngoài ra trong 1 số máy có bộ phận tiêu âm. Chọn vật liệu cách âm để làm nhà cửa. Làm nền nhà bằng cao su, cát, nền nhà phải đào sâu, xung quanh nên đào rãnh cách âm rộng 6-10 cm. Mức độ cách âm yêu cầu được xác định theo trị số cách âm D. Trị số D là hiệu số mức độ áp lực tiếng ồn trung bình ở trong phòng có nguồn ồn L1 và bên ngoài phòng có nguồn ồn L2.

c - Dùng các dụng cụ phòng hộ cá nhân:

Những người làm việc trong các quá trình sản xuất có tiếng ồn, để bảo vệ tai cần có một số thiết bị sau: Bông, bọt biển, băng đặt vào lỗ tai là những loại đơn giản nhất. Bông làm giảm ồn từ 3 - 14dB trong giải tần số 100 - 600Hz, băng tẩm mỡ giảm 18dB, bông len tẩm sáp giảm đến 30dB. Dùng nút bằng chất dẻo bịt kín tai có thể giảm xuống 20dB. Dùng nắp chống ồn úp bên ngoài tai có thể giảm tới 30dB khi tần số là 500Hz và 40dB khi tần số 2.000Hz. Loại nắp chống ồn chế tạo từ cao su bọt không được thuận tiện lắm khi sử dụng vì người làm mệt do áp lực lên màng tai quá lớn.

d - Chế độ lao động hợp lý:

Những người làm việc tiếp xúc nhiều với tiếng ồn cần được bớt giờ làm việc hoặc có thể bố trí xen kẽ công việc để có những quãng nghỉ thích hợp. Không nên tuyển lựa những người mắc bệnh về tai làm việc ở những nơi có nhiều tiếng ồn. Khi phát hiện có dấu hiệu điếc nghề nghiệp thì phải bố trí để công nhân được ngừng tiếp xúc với tiếng ồn càng sớm càng tốt.

6) Đề phòng và chống tác hại của rung động:

a - Biện pháp kỹ thuật: Thay các bộ phận máy móc thiết bị phát ra rung động. Kiểm tra thường xuyên và sửa chữa kịp thời các chi tiết máy bị mòn và hư hỏng hoặc gia công các chi tiết máy đặc biệt để khử rung. Nền bệ máy thiết bị phải bằng phẳng và chắc chắn. Cách ly những thiết bị phát ra độ rung lớn bằng những rãnh cách rung xung quanh móng máy. Thay sự liên kết cứng giữa nguồn rung động và móng của nó bằng liên kết giảm rung khác để giảm sự truyền rung động của máy xuống móng.

b - Biện pháp tổ chức sản xuất: Nếu công việc thay thế được cho nhau thì nên bố trí sản xuất làm nhiều ca kíp để san sẽ mức độ tiếp xúc với rung động cho nhiều người. Nên bố trí ca kíp sản xuất bảo đảm giữa 2 thời kỳ làm việc người thợ có khoảng nghỉ dài không tiếp xúc với rung động.

c - Phòng hộ cá nhân: Tác dụng của các dụng cụ phòng hộ các nhân chống lại rung động là giảm trị số biên độ dao động truyền đến cơ thể khi có rung động chung hoặc lên phần cơ thể tiếp xúc với vật rung động.

- Giày vải chống rung: có miếng đệm lót bằng cao su trong đó có gắn 6 lò xo. Chiều dày miếng đệm 30mm, độ cứng của lò xo ở phần gót 13kg/cm, ở phần đế 10.5kg/cm. Khi tần số rung động từ 20-50Hz với biên độ tương ứng từ 0.4- 0.1mm thì độ tắt rung của loại giày này đạt khoảng 80%.

- Găng tay chống rung: được sử dụng khi dùng các dụng cụ cầm tay rung động hoặc đầm rung bề mặt. Yêu cầu chủ yếu là hạn chế tác dụng rung động ở chỗ tập trung vào tay. Sử dụng găng tay có lớp lót ở lòng bàn tay bằng cao su xốp dày sẽ làm giảm biên độ rung động với tần số 50Hz từ 3-4 lần. Dùng găng tay chống rung có lót cao su đàn hồi giảm sự truyền động rung động đi 10 lần.

d - Biện pháp y tế: Không nên tuyển dụng những người có các bệnh về rối loạn dinh dưỡng thần kinh, mạch máu ở lòng bàn tay làm việc tiếp xúc với rung động. Không nên bố trí phụ nữ lái các loại xe vận tải cở lớn vì sẽ gây ra lắc xóc nhiều.

II. Phòng chống bụi trong sản xuất


1) Định nghĩa và phân loại bụi

a - Khái niệm bụi trong sản xuất: Có nhiều quá trình sản xuất trong công nghiệp phát sinh rất nhiều bụi. Bụi là những vật chất rất bé ở trạng thái lơ lững trong không khí trong 1 thời gian nhất định. Khắp nơi đều có bụi nhưng trên công trường, trong xí nghiệp, nhà máy có bụi nhiều hơn.

b - Phân loại bụi: Theo nguồn gốc: bụi kim loại (Mn, Si, rỉ sắt, ... ), bụi cát, bụi gỗ; bụi động vật (bụi lông, xương, …), bụi thực vật (bụi bông, bụi gai, …), bụi hoá chất (grafit, bột phấn, bột hàn the, bột xà phòng, vôi, …). Theo kích thước hạt bụi: Bụi bay có kích thước từ 0,001 ÷ 10 àm; các hạt từ 0,1 ÷ 10 àm gọi là mù, các hạt từ 0,001 ÷ 0,1 àm gọi là khói. Chúng chuyển động Brao trong không khí. Bụi lắng có kích thước >10 àm thường gây tác hại cho mắt. Theo tác hại: Bụi gây nhiễm độc (Pb, Hg, benzen, ...); bụi gây dị ứng; bụi gây ung thư như nhựa đường, phóng xạ, các chất brôm; bụi gây xơ phổi như bụi silic, amiăng, ...

2) Tác hại của bụi:

Các tác hại của bụi đối với cơ thể: Đối với da và niêm mạc: bụi bám vào da làm sưng lỗ chân lông dẫn đến bệnh viêm da, còn bám vào niêm mạc gây ra viêm niêm mạc. Đặc biệt có 1 số loại bụi như len dạ, nhựa đường còn có thể gây dị ứng da. Đối với mắt: bụi bám vào mắt gây ra các bệnh về mắt như viêm màng tiếp hợp, viêm giác mạc. Nếu bụi nhiễm siêu vi trùng mắt hột sẽ gây bệnh mắt hột. Bụi kim loại có cạnh sắc nhọn khi bám vào mắt làm xây xát hoặc thủng giác mạc, làm giảm thị lực của mắt. Nếu là bụi vôi khi bắn vào mắt gây bỏng mắt. Đối với tai: bụi bám vào các ống tai gây viêm, nếu vào ống tai nhiều quá làm tắc ống tai. Đối với bộ máy tiêu hoá: bụi vào miệng gây viêm lợi và sâu răng. Các loại bụi hạt to nếu sắc nhọn gây ra xây xát niêm mạc dạ dày, viêm loét hoặc gây rối loạn tiêu hoá. Đối với bộ máy hô hấp: vì bụi thường bay lơ lững trong không khí nên tác hại lên đường hô hấp là chủ yếu. Bụi trong không khí càng nhiều thì bụi vào trong phổi càng nhiều. Bụi có thể gây ra viêm mũi, viêm khí phế quản, gây ra các loại bệnh bụi phổi như bệnh bụi silic (bụi có chứa SiO2 trong vôi, ximăng, ...), bệnh bụi than (bụi than), bệnh bụi nhôm (bụi nhôm). Đối với toàn thân: nếu bị nhiễm các loại bụi độc như hoá chất, chì, thuỷ ngân, thạch tín, ... khi vào cơ thể, bụi được hoà tan vào máu gây nhiễm độc cho toàn cơ thể.

3) Biện pháp phòng và chống bụi:

a - Biện pháp kỹ thuật: Phương pháp chủ yếu để phòng bụi trong công tác xay, nghiền, sàng, bốc dỡ các loại vật liệu hạt rời hoặc dễ sinh bụi là cơ giới hoá quá trình sản xuất để công nhân ít tiếp xúc với bụi. Che đậy các bộ phận máy phát sinh nhiều bụi bằng vỏ che, từ đó đặt ống hút thải bụi ra ngoài. Dùng các biện pháp quan trọng để khử bụi bằng cơ khí và điện như buồng lắng bụi bằng phương pháp ly tâm, lọc bụi bằng điện, khử bụi bằng máy siêu âm, dùng các loại lưới lọc bụi bằng phương pháp ion hoá tổng hợp. Áp dụng các biện pháp về sản xuất ướt hoặc sản xuất trong không khí ẩm nếu điều kiện cho phép hoặc có thể thay đổi kỹ thuật trong thi công. Sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên và nhân tạo, rút bớt độ đậm đặc của bụi trong không khí bằng các hệ thống hút bụi, hút bụi cục bộ trực tiếp từ chỗ bụi được tạo ra. Thường xuyên làm tổng vệ sinh nơi làm việc để giảm trọng lượng bụi dự trữ trong môi trường sản xuất.

b - Biện pháp về tổ chức: Bố trí các xí nghiệp, xưởng gia công, ... phát ra nhiều bụi, xa các vùng dân cư, các khu vực nhà ở. Công trình nhà ăn, nhà trẻ đều phải bố trí xa nơi sản xuất phát sinh ra bụi. Đường vận chuyển các nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm mang bụi phải bố trí riêng biệt để tránh tình trạng tung bụi vào môi trường sản xuất nói chung và ở các khu vực gián tiếp. Tổ chức tốt tưới ẩm mặt đường khi trời nắng gió, hanh khô.

c - Trang bị phòng hộ cá nhân: Trang bị quần áo công tác phòng bụi không cho bụi lọt qua để phòng ngừa cho công nhân làm việc ở những nơi nhiều bụi, đặc biệt đối với bụi độc. Dùng khẩu trang, mặt nạ hô hấp, bình thở, kính đeo mắt để bảo vệ mắt, mũi, miệng.

d - Biện pháp y tế: Ở trên công trường và trong nhà máy phải có đủ nhà tắm, nơi rửa cho công nhân. Sau khi làm việc công nhân phải tắm giặt sạch sẽ, thay quần áo. Cấm ăn uống, hút thuốc lá nơi sản xuất. Không tuyển dụng người có bệnh mãn tính về đường hô hấp làm việc ở những nơi nhiều bụi. Những công nhân tiếp xúc với bụi thường xuyên được khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện kịp thời những người bị bệnh do nhiễm bụi. Phải định kỳ kiểm ta hàm lượng bụi ở môi trường sản xuất, nếu thấy quá tiêu chuẩn cho phép phải tìm mọi biện pháp làm giảm hàm lượng bụi.

e - Các biện pháp khác: Thực hiện tốt khâu bồi dưỡng hiện vật cho công nhân. Tổ chức ca kíp và bố trí giờ giấc lao động, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức khoẻ. Coi trọng khẩu phần ăn và rèn luyện thân thể cho công nhân.

III. Thông gió trong công nghiệp


1) Mục đích của thông gió công nghiệp

Môi trường không khí có tính chất quyết định đối với việc tạo ra cảm giác dễ chịu, không bị ngột ngạt, không bị nóng bức hay quá lạnh. Trong các nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp nguồn tỏa độc hại chủ yếu do các thiết bị và quá trình công nghệ tạo ra. Môi trường làm việc luôn bị ô nhiểm bởi các hơi ẩm, bụi bẩn, các chất khí do hô hấp thải ra và bài tiết của con người: CO2, NH3 , hơi nước, ... Ngoài ra còn các chất khí khác do quá trình sản xuất sinh ra như CO, NO2 , các hơi axít, bazơ, ... Thông gió trong các xí nghiệp; nhà máy sản xuất có 2 nhiệm vụ chính sau:

- Thông gió chống nóng: nhằm mục đích đưa không khí mát, khô ráo vào nhà và đẩy không khí nóng ẩm ra ngoài, tạo điều kiện vi khí hậu tối ưu. Tại những vị trí thao tác với cường độ cao, những chỗ làm việc gần nguồn bức xạ có nhiệt độ cao, người ta bố trí những hệ thống quạt với vận tốc gió lớn (2 – 5 m/s) để làm mát không khí.

- Thông gió khử bụi và hơi độc: ở những nơi có tỏa bụi hoặc hơi khí có hại, cần bố trí hệ thống hút không khí bị ô nhiễm để thải ra ngoài, đồng thời đưa không khí sạch từ bên ngoài và bù lại phần không khí bị thải đi. Trước khi thải có thể cần phải lọc hoặ khử hết các chất độc hại trong không khí để tránh ô nhiễm khí quyển xung quanh.

2) Các biện pháp thông gió

Dựa vào nguyên nhân tạo gió và trao đổi không khí, có thể chia biện pháp thông gió thành thông gió tự nhiên và thông gió nhân tạo. Dựa vào phạm vi tác dụng của hệ thống thông gió có thể chia thành thông gió chung và thông gió cục bộ.

a - Thông gió tự nhiên: Thông gió tự nhiên là trường hợp thông gió mà sự lưu thông không khí từ bên ngoài vào Nhà và từ trong Nhà thoát ra ngoài thực hiện được nhờ những yếu tố tự nhiên như nhiệt thừa và gió tự nhiên. Dựa vào nguyên lý không khí nóng trong Nhà đi lên còn không khí nguội xung quanh đi vào thay thế, người ta thiết kế và bố trí hợp lý các cửa vào và gió ra, các cửa có cấu tạo lá chớp khép mở được, làm lá hướng dòng và thay đổi diện tích cửa... để thay đổi được đường đi của gió cũng như hiệu chỉnh được lưu lượng gió vào, ra, ...

b - Thông gió nhân tạo: Thông gió nhân tạo là thông gió có sử dụng máy quạt chạy bằng động cơ điện để làm không khí vận chuyển từ chỗ này đến chỗ khác. Trong thực tế thường dùng hệ thống thông gió thổi vào và hệ thống thông gió hút ra.

c - Thông gió chung: Là hệ thống thông gió thổi vào hoặc hút ra có phạm vi tác dụng trong toàn bộ không gian của phân xưởng. Nó phải có khả năng khử nhiệt thừa và các chất độc hại toả ra trong phân xưởng để đưa nhiệt độ và nồng độ độc hại xuống dưới mức cho phép. Có thể sử dụng thông gió chung theo nguyên tắc thông gió tự nhiên hoặc theo nguyên tắc thông gió nhân tạo.

d - Thông gió cục bộ: Là hệ thống thông gió có phạm vi tác dụng trong từng vùng hẹp riêng biệt của phân xưởng. Hệ thống này có thể chỉ thổi vào cục bộ hoặc hút ra cục bộ. Hệ thống thổi cục bộ: Thường sử dụng hệ thống hoa sen không khí và thường được bố trí để thổi không khí sạch và mát vào những vị trí thao tác cố định của công nhân, mà tại đó toả nhiều khí hơi có hại và nhiều nhiệt (ví dụ như ở các cửa lò nung, lò đúc, xưởng rèn, ...). Hệ thống hút cục bộ: Dùng để hút các chất độc hại ngay tại nguồn sản sinh ra chúng và thải ra ngoài, không cho lan toả ra các vùng chung quanh trong phân xưởng. Đây là biện pháp thông gió tích cực và triệt để nhất để khử độc hại (ví dụ các tủ hóa nghiệm, bộ phận hút bụi đá mài, bộ phận hút bụi trong máy dỡ khuôn đúc,...).

ATVSCN - Chống tiếng ồn và rung động trong sản xuất

Bạn đang xem một trong các bài viết tại Chuyên Mục AnToanVeSinhCongNghiep. Và đây là địa chỉ link bài viết http://www.c10mt.com/2012/04/atvscn-chong-tieng-on-va-rung-dong-trong-san-xuat.html . Tâm Gà xin cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này. Đừng quên nhấn LIKE Chia Sẻ để ủng hộ Tâm Gà nếu bài viết có ích !
Tuesday, April 17, 2012 DMCA com Protection Status